Truy cập nội dung luôn
TỔNG QUAN
TIN TỨC - SỰ KIỆN








AN NINH QUỐC PHÒNG AN NINH QUỐC PHÒNG

Khuyến cáo an toàn PCCC đối với loại hình cơ sở nhà trọ, nhà cho thuê để ở
Ngày đăng 25/09/2023 | 14:00  | Lượt xem: 325

Thanh Xuân là một trong những quận trung tâm của thành phố Hà Nội, có nhiều Khu đô thị cao cấp và trường học, tập trung số lượng lớn người lao động, học sinh, sinh viên làm việc và học tập thường xuyên. Do đó, nhà ở là một trong những nhu cầu thiết yếu và ngày càng tăng cao. Nhiều phòng trọ, nhà cho thuê để ở xuất hiện ngày càng phổ biến để phục vụ nhu cầu ở, sinh hoạt, làm việc của người dân. Mặt khác trên thực trạng, đa số các nhà trọ, nhà cho thuê để ở nằm trong các ngõ sâu, nhỏ hẹp, cách xa nguồn nước, không đảm bảo các điều kiện về an toàn PCCC&CNCH (lối ra thoát nạn; ngăn cháy lan; bố trí, sắp xếp vật dụng, hàng hóa, trang bị phương tiện chữa cháy…). Bên cạnh đó, hầu hết Chủ cơ sở cho thuê cũng như người thuê trọ chưa thực sự quan tâm về công tác an toàn PCCC, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây cháy, nổ, yếu tố gây cháy lan, cháy lớn, có thể gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản.

 Để đảm bảo an toàn PCCC và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do cháy, nổ đối với loại hình nhà trọ, nhà cho thuê để ở, Công an quận Thanh Xuân khuyến cáo Chủ cơ sở và người dân sinh sống tại các nhà trọ, căn hộ cho thuê cần thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC sau đây:

1. Công tác tuyên truyền:

- Thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở các chủ nhà trọ, thành viên trong hộ gia đình, người thuê phòng thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC, nắm vững kiến thức cơ bản về PCCC, thoát nạn, cứu người trong đám cháy, sơ cứu ban đầu.

- Thường xuyên tự kiểm tra, phát hiện và khắc phục kịp thời nguyên nhân gây cháy nổ, nguồn lửa, nguồn nhiệt.

- Phối hợp với cơ quan, tổ chức và hộ gia đình khác trong việc đảm bảo an toàn về PCCC; quản lý chặt chẽ và sử dụng an toàn chất dễ gây cháy nổ.

- Sử dụng phương tiện chữa cháy thông dụng và thoát nạn phù hợp khi có sự cố cháy, nổ.

- Tham gia lớp tập huấn về PCCC do cơ quan Cảnh sát PCCC hoặc chính quyền địa phương tổ chức.

2. Giải pháp ngăn cháy:

- Bố trí đồ dùng, hàng hóa gọn gàng, không bố trí vật dụng, đồ dùng gần lối ra chính (lối thoát nạn);

- Lắp đặt cửa chống cháy, ngăn cháy tại các phòng trọ, đảm bảo ngăn cháy lan vào bên trong phòng.

3. Quản lý, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt:

- Nơi đun nấu: Không nên để hàng hóa, chất dễ cháy gần nơi đun nấu. Nếu đun nấu sử dụng gas phải đóng van khoá bình gas khi không sử dụng và tắt bếp, thường xuyên kiểm tra đường ống dẫn, van khoá, van an toàn trong quá trình sử dụng; Vị trí đặt bình gas, bếp gas cần đảm bảo thông thoáng và không để gần các thiết bị điện, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt; nên lắp đặt đầu báo dò khí gas tại khu vực để bình gas. Nếu sử dụng bếp từ, hồng ngoại cần bố trí đường dây dẫn điện phù hợp với công suất của bếp và có các thiết bị đóng, ngắt bảo vệ (cầu dao, attomat ....).

- Nơi thờ cúng: Đèn, bát hương, nến khi thắp cần đặt chắc chắn trên mặt phẳng để tránh bị đổ vỡ; khi thắp hương, đốt nến, đốt vàng mã phải có người trông coi đến khi hương tàn, dập tàn tro vàng mã ở khu vực an toàn để tránh xảy ra cháy, cháy lan. Hạn chế để nhiều chất cháy trên bàn thờ.

4. Quản lý, sử dụng điện:

- Hệ thống điện được thiết kế, lắp đặt đảm bảo đủ công suất cấp cho các thiết bị sử dụng, nếu phát sinh các thiết bị tiêu thụ điện mới công suất cao cần tính toán để tránh gây quá tải. Lắp đặt thiết bị đóng ngắt, bảo vệ (cầu dao, aptomat) chung cả nhà, từng tầng, từng phòng.

- Không bố trí vật dụng, hàng hoá dễ cháy gần, bên dưới các thiết bị tiêu thụ điện, ổ cắm điện. Tắt các thiết bị điện, ngắt cầu dao điện khi không sử dụng, đi ngủ hoặc ra khỏi nhà. Thường xuyên kiểm tra, sửa chữa, thay thế thiết bị điện hư hỏng hoặc không đảm bảo an toàn.

- Không sạc xe máy điện, xe đạp điện qua đêm.

5. Giải pháp thoát nạn:

* Biện pháp phòng ngừa:

- Xây dựng và thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ với nhiều tình huống giả định để chủ động xử lý khi có cháy, nổ, sự cố, tai nạn xảy ra; Tăng cường công tác thường trực, tuần tra, đảm bảo đủ lực lượng PCCC cơ sở để giải quyết kịp thời khi có cháy, nổ xảy ra;

- Trong nhà trọ, nhà ở nhiều hộ gia đình có 01 lối thoát nạn cần thiết kế lối thoát nạn dự phòng có thể là thang sắt ngoài nhà, thang dây, dây thả chậm, lối lên mái, ra ban công, sân thượng sang nhà liền kề… Đối với các khu nhà trọ 1 tầng cần đảm bảo lối thoát chính ra bên ngoài thông thoáng, không bị cản trở;

- Khu vực để xe phải sắp xếp gọn gàng, đảm bảo an toàn về đường, lối thoát nạn, khoảng cách PCCC. Không sắp xếp xe gần các tủ điện, thiết bị điện, không sắp xếp xe ở các vị trí che khuất các phương tiện, dụng cụ phòng cháy và chữa cháy để tránh gây cản trở trong việc sử dụng, triển khai chữa cháy khi xảy ra sự cố cháy, nổ.

* Kỹ năng thoát nạn:

- Khi có sự cố cháy, nổ xảy ra phải bình tĩnh xử lý, tìm lối thoát nạn an toàn, đồng thời báo cho mọi người xung quanh để kịp thời ra khỏi khu vực nguy hiểm. Trong khi di chuyển cần cúi thấp người (có thể bò khom), đặc biệt chú ý khi có trẻ em thoát nạn, cần sử dụng khăn, vải nhúng ướt bịt mũi hoặc trùm chăn ướt lên người trẻ nhỏ trong quá trình di chuyển thoát nạn để hạn chế khói khí độc xâm nhập vào đường hô hấp và bị bỏng do lửa gây ra;

 - Khi phát hiện có cháy xảy ra trong hộ gia đình, nhất là hộ gia đình có kiểu nhà ống, nhà kín có một lối thoát nạn duy nhất là cửa chính nơi mặt tiền, hãy thật bình tĩnh suy xét, hô hoán báo động cho tất cả các thành viên trong gia đình biết để mau chóng di chuyển ra ngoài, ra nơi an toàn qua cửa chính và lối thoát nạn thứ 2.

6. Phương tiện chữa cháy, dụng cụ phá dỡ:

 Chủ nhà trọ, chủ hộ gia đình cho thuê chủ động trang bị phương tiện PCCC và các dụng cụ phá dỡ phù hợp với quy mô, tính chất, đặc điểm của nhà (tự trang bị hệ thống báo cháy, lắp đặt hệ thống cảnh báo cháy nhanh, bình chữa cháy, dụng cụ phá dỡ, mặt nạ phòng độc, thang dây, dây tự cứu,...). Các phương tiện, thiết bị bố trí ở nơi phù hợp và thuận lợi cho việc thao tác sử dụng khi cần thiết.

Khi xảy ra cháy hãy bình tĩnh, kịp thời phối hợp với các đơn vị cá nhân liền kề tổ chức chữa cháy, cứu người, cứu tài sản. Bình tĩnh xử lý, thực hiện các bước: báo động, hô hoán thông báo cho mọi người xung quanh biết; cắt điện; gọi báo cháy cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH theo số điện thoại 114, App BAOCHAY114, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an quận Thanh Xuân qua số điện thoại 024.35510667 hoặc Công an phường gần nhất. Đồng thời, tổ chức chữa cháy và tổ chức thoát nạn, cứu người bị nạn, di chuyển tài sản ra nơi an toàn./.

Công an quận














Thông kê truy cập Thông kê truy cập

Đang online: 4211
Lượt truy cập trong tuần: 19683
Lượt truy cập trong tháng: 19683
Lượt truy cập trong năm: 205622
Tổng số truy cập: 3406584