AN NINH QUỐC PHÒNG
(Ảnh 1: Người dân quá hiếu kỳ mà bất chấp vào “đường cấm”
để thỏa đam mê)
Đã không còn xa lạ với hình ảnh, khi xuất hiện các sự cố về cháy, nổ cả trăm người dân gần đó hiếu kỳ tràn ra đường xem, những người tham gia giao thông cũng dừng đỗ ngay trên đường theo dõi, giám sát. Do quá đông người đứng xem ngay dưới lòng đường khiến giao thông qua đây bị rối loạn và cản trở xe chữa cháy tiếp cận hiện trường, cản trở lực lượng chức năng tiến hành xử lý. Nhiều trường hợp tụ tập đông người quanh hiện trường đám cháy, tai nạn làm tiêu hao “thời gian vàng” có thể cứu chữa kịp thời các nạn nhân, gián tiếp gây chết người. Đó là còn chưa kể việc tụ tập đông người cũng gây nguy hiểm cho chính bản thân những người đó.
Không chỉ nói riêng về hỏa hoạn mà các sự việc khác như tai nạn giao thông, ẩu đả, án mạng, vây bắt tội phạm, xử lý vật liệu nổ… đều thu hút sự tập trung, chú ý của hàng trăm, hàng nghìn người dân. Trong số đông đó, người có ý thức thì thông báo cho cơ quan chức năng biết để giải quyết, hỗ trợ lực lượng chức năng giải quyết vụ việc, cấp cứu người bị nạn.
(Ảnh 2: Xe cộ, người dân tập trung kín dưới lòng đường vì hiếu kỳ)
Khi công nghệ phát triển mạnh mẽ, mặt trái của tính hiếu kỳ có cơ hội nhân lên. Có mặt ở hiện trường tai nạn giao thông, cháy, nổ, án mạng…, không ít người thay vì giúp đỡ người bị nạn, tạo điều kiện cho lực lượng chức năng làm việc, lại tập trung đông đúc để hiếu kỳ theo dõi sự việc rồi tranh thủ sử dụng thiết bị thông minh như điện thoại, máy tính bảng… để ghi hình, quay clip, quay phim và phát trực tiếp lên internet để “câu like” “câu view”, để tăng số lượt tương tác cho trang cá nhân của mình. Tại các trang cá nhân, diễn đàn này, nhiều hình ảnh chưa được kiểm chứng liên quan bạo lực, tại nạn, cháy, nổ cùng với đó là những bình luận thông tin không chính xác, không căn cứ, vô tình ảnh hưởng đến nạn nhân, người nhà các nạn nhân của các sự cố, thậm chí gây khó khăn cho công tác điều tra xử lý của cơ quan chức năng…
(Ảnh 3: Người dân ngoài theo dõi, giám sát, còn kiêm “chỉ đạo” lực lượng chuyên ngành)
Hiếu kỳ không phải là tính xấu, không phải đặc trưng của riêng nhóm người nào, cộng đồng nào, cũng không có điều Luật ngăn cấm sự hiếu kỳ. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp cụ thể, nước ta có quy định, chế tài tương ứng được nêu trong Luật pháp như: Bộ luật Hình sự 2015, Luật An ninh mạng, các Nghị định của Chính phủ… Điều quan trọng hơn cả là trong cuộc sống hiện đại, văn minh, sự hiếu kỳ phải gắn chặt với ý thức công dân. Nếu gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, đến cộng đồng xung quanh, những hành động nhằm thỏa mãn tính hiếu kỳ như trên nên được hạn chế. Không ai khác, chính mỗi công dân phải có trách nhiệm tự xác định chừng mực của sự hiếu kỳ. Từ sự hiếu kỳ đến thói thờ ơ, bàng quan, vô cảm chỉ là khoảng cách ngắn.
Thay vì thói quen hiếu kỳ, chúng ta hãy cùng đóng góp sức lực của mỗi cá nhân để tạo ra sức mạnh tổng hợp, chung tay cùng khống chế đám cháy, hạn chế tối đa những hậu quả không may mắn do cháy, nổ gây ra. Khi phát hiện đám cháy, hay có mặt gần hiện trường xảy ra sự cố, cần:
1. Lập tức hô hoán cho mọi người xung quanh tránh xa hiện trường. Nhấn vào chuông báo cháy, chuông báo tình trạng khẩn cấp xảy ra để mọi người nhanh chóng di tản (chuông bố trí trong các Tổ liên gia an toàn PCCC).
2. Điện báo cho cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH theo số điện thoại 114, sử dụng Ứng dụng BAOCHAY 114, điện báo Đội CS PCCC&CNCH - Công an quận hoặc Công an phường gần nhất.
3. Kêu gọi người dân xung quanh tham gia chữa cháy giai đoạn ban đầu. Thanh niên, người trẻ tuổi tham gia chữa cháy, cứu người bị nạn, sử dụng các thiết bị chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ được trang bị sẵn tại Điểm chữa cháy công cộng, Tổ liên gia an toàn PCCC để chữa cháy.
4. Không chụp ảnh, ghi hình, quay phim phát tán nội dung, hình ảnh khi chưa có thông tin chính xác.
5. Cứu người bị nạn, trường hợp có khả năng thoát được đám cháy, di chuyển các tài sản, hàng hóa lưu động và các chất dễ cháy ra nơi an toàn (nếu không đủ sức hay tình hình quá nguy hiểm để cứu người, hãy tránh xa đám cháy để đơn vị chuyên nghiệp thực hiện cứu người. Việc rời khỏi khu vực nguy hiểm cũng giúp bảo vệ chính mình và hạn chế thiệt hại nhân mạng tới mức tối đa).
6. Không tập trung đông người gây tắc nghẽn giao thông và cản trở phương tiện chữa cháy.
7. Hỗ trợ các lực lượng, cơ quan chức năng xử lý sự cố: giải tán đám đông; di chuyển các phương tiện giao thông, rào chắn, khối tấm, các vật cản, đồ và chất dễ cháy (nổ),... rời xa khu vực cháy, nổ.
8. Phối hợp lực lượng an ninh giải tán người tham gia giao thông dừng đỗ hiếu kỳ gây cản trở quá trình chữa cháy; ngăn cản các phương tiện không đi vào cung đường khu vực xảy ra cháy (giúp lực lượng chữa cháy và CNCH tiếp cận hiện trường nhanh chóng).
9. Các hộ gia đình Tổ liên gia an toàn PCCC gần khu vực đang cháy triển khai phương tiện, lực lượng tại chỗ tham gia chữa cháy.
10. Thử các biện pháp chữa cháy khi đám cháy chưa lan rộng: Trong trường hợp tình trạng cháy chưa nguy hiểm, bùng phát rộng, bạn hãy thử những biện pháp chữa cháy đầu tiên (Bình chữa cháy ở dạng khí, dạng lỏng hoặc bình chữa cháy mini trang bị cho cá nhân, các loại mền sản xuất với công dụng ngăn lửa, nước,...).
11. Nếu có đủ sức, hãy nhanh chóng dùng vòi chữa cháy, lăng trụ phun nước gần nhất để dập lửa. Với thiết kế và áp lực nước đặc biệt, vòi phun chuyên dụng sẽ giúp bạn dập lửa rất nhanh và an toàn.
Công an quận