Skip to Content
TỔNG QUAN
TIN TỨC - SỰ KIỆN








AN NINH QUỐC PHÒNG AN NINH QUỐC PHÒNG

Quận Thanh Xuân áp dụng các tiêu chí xây dựng, nhân rộng mô hình “Điểm chữa cháy công cộng”
Publish date 21/03/2023 | 16:30  | Lượt xem: 273

Thực trạng tình hình cháy, nổ trên cả nước nói chung, thành phố Hà Nội nói riêng đang diễn biến hết sức phức tạp và có xu hướng tăng về số vụ lẫn thiệt hại về người và tài sản. Nguyên nhân chủ yếu là do sự cố hệ thống điện. Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như: trình độ hiểu biết Pháp luật, kiến thức PCCC, ý thức tự giác trong việc thực hiện các quy định về an toàn cháy nổ của người dân; vi phạm quy định về hàn cắt kim loại; sơ suất trong sử dụng nguồn nhiệt và nguyên nhân vô ý vi phạm PCCC...

CBCS Đội CS. PCCC - CAQ Thanh Xuân kiểm tra, hướng dẫn sử dụng trang thiết bị tại các Điểm chữa cháy công cộng trên địa bàn quận

Cháy, nổ luôn gây thiệt hại lớn về tài sản của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Vì vậy, việc kiềm chế cháy, nổ, không để xảy ra cháy lớn là nhiệm vụ hết sức quan trọng không chỉ với lực lượng PCCC mà còn đối với các ngành, các cấp và toàn thể Nhân dân. Thượng tá Nguyễn Văn Thắng – Phó Trưởng Công an quận Thanh Xuân chia sẻ: “Xác định rõ vai trò là lực lượng nòng cốt, Đội Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an quận đã tập trung triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tăng cường công tác nắm bắt tình hình, rà soát các khu vực trọng điểm, kiểm tra, xử lý các cơ sở vi phạm và đẩy mạnh tuyên truyền kiến thức, kỹ năng PCCC và CNCH… Đặc biệt chú trọng việc xây dựng, duy trì, nhân rộng mô hình “Điểm chữa cháy công cộng”, từ đó tăng cường nhận thức về công tác bảo đảm an toàn PCCC và CNCH tại các hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn quận; nâng cao trách nhiệm trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn PCCC và thực hiện hiệu quả với phương châm “4 tại chỗ” trong công tác PCCC và CNCH; chủ động ứng phó với các sự cố cháy, nổ tại chỗ một cách nhanh chóng, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản”.

Hiện tại trên địa bàn quận Thanh Xuân có tổng 64 điểm chữa cháy công cộng đã xây dựng và đang được duy trì. Các điểm chữa cháy công cộng trên địa bàn quận được hoạt động dựa trên nguyên tắc tự nguyện, tự chủ về kinh phí; hoạt động theo cơ chế cấp uỷ Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, điều hành, các tổ chức, đoàn thể phối hợp thực hiện, lực lượng công an làm nòng cốt, nhân dân thực hiện.

Để Nhân dân nắm bắt, hiểu rõ hơn về mục đích, tính chất hoạt động, phát huy được hiệu quả tối đa mô hình “Điểm chữa cháy công cộng”, Công an quận Thanh Xuân nêu rõ các tiêu chí, điều kiện cụ thể thành lập, duy trì và nhân rộng mô hình, cụ thể:

1. Lực lượng tại chỗ

* Đối tượng:

- Tại các ngõ, hẻm sâu tập trung nhiều nhà (nhà ở hộ gia đình hoặc nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh) có chiều sâu từ 50m trở lên, xe chữa cháy không tiếp cận được.

- Người sử dụng phương tiện tại mô hình “Điểm chữa cháy công cộng” là người dân thường xuyên sinh sống, làm việc tại hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hoặc người dân từ 18 tuổi trở lên có đủ sức khỏe và có kiến thức PCCC và CNCH; kỹ năng chữa cháy, thoát nạn và sử dụng phương tiện, thiết bị PCCC trong các khu dân cư có bố trí, lắp đặt mô hình “Điểm chữa cháy công cộng”.

2. Phương tiện tại chỗ

2.1. Điều kiện đối với mô hình:

Phải có quy định về quản lý, sử dụng phương tiện PCCC, CNCH tại các điểm chữa cháy công cộng (trong đó quy định rõ việc sử dụng, quản lý, kiểm tra, bảo dưỡng, thay thế phương tiện khu hỏng hóc hoặc sau khi sử dụng).

2.2. Bố trí, trang bị phương tiện PCCC và CNCH tại điểm chữa cháy công cộng:

- Bố trí các điểm chữa cháy thuận lợi cho việc sử dụng các phương tiện để chữa cháy, CNCH; không cản trở lối đi lại của người dân, tránh mưa, nắng và có biển thông báo. Khoảng cách giữa 02 điểm đặt phương tiện là 50m.

- Số lượng, chủng loại phương tiện tại mỗi điểm:

+ 01 biển thông báo bằng tôn, nền màu đỏ, chữ màu vàng tiếng việt “ĐIỂM CHỮA CHÁY CÔNG CỘNG” và tiếng anh “PUBLIC FIRE FIGHTING VEHICLE POINT”

+ 02 bình bột chữa cháy loại ABC;

+ Nội quy quản lý, sử dụng phương tiện PCCC, CNCH;

+ Tối thiểu 01 xà beng hoặc kìm cộng lực (căn cứ điều kiện thực tế).

+ Ban hành, niêm yết quy trình xử lý sự cố cháy, nổ, cứu nạn, cứu hộ (các bước xử lý cháy, nổ, sự cố; số điện thoại liên hệ: Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH qua số 114 hoặc App Báo cháy 114, Đội Cảnh sát PCCC và CNCH trên địa bàn, UBND hoặc Công an phường, Lực lượng dân phòng,...) và hướng dẫn sử dụng các trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

+ Căn cứ vào điều kiện thực tế, khu vực có trụ nước chữa cháy có thể trang bị lăng, vòi, đầu nối, thiết bị mở khóa; khu vực có ao, hồ, bể nước có thể trang bị máy bơm chữa cháy khiêng tay, lăng vòi chữa cháy.

3. Tổ chức hoạt động

- Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong khu vực có duy trì mô hình nắm rõ vị trí lắp đặt các điểm lắp đặt phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; nội quy, quy định về bảo quản, bảo dưỡng phương tiện; các trường hợp được sử dụng phương tiện; Quy trình chữa chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và cách sử dụng các phương tiện có hiệu quả.

- Kiểm tra, duy trì chế độ thường trực của phương tiện; thay thế kịp thời các phương tiện hư hỏng hoặc mất tác dụng.

4. Xử lý tình huống khi có cháy, nổ, sự cố cứu nạn, cứu hộ

- Người phát hiện cháy, nổ, sự cố, tai nạn hô hoán cho mọi người trong ngõ, hẻm biết; báo cháy cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH (qua số 114 hoặc App Báo cháy 114), UBND hoặc Công an phường.

- Sử dụng các phương tiện tại các điểm chữa cháy công cộng để chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ./.

Công an quận

 














Visitor Tracking Visitor Tracking

User Online: 4163
Access in week: 19673
Access in month: 19673
Access in year: 205612
Total visited: 3406574