VĂN HÓA XÃ HỘI
Di sản văn hóa Việt Nam bao gồm di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, là tài sản vô cùng quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong suốt bề dày lịch sử hàng ngàn năm.
Nhận thức được tầm quan trọng của các di sản văn hóa, ngày 23/11/1945, Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65/SL “Ấn định nhiệm vụ của Đông Phương Bác cổ Học viện” văn bản đầu tiên của Nhà nước ta về việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.
Sắc lệnh số 65/SL khẳng định việc bảo tồn cổ tích “là công việc rất quan trọng và rất cần thiết cho công cuộc kiến thiết nước Việt Nam”; Đông Phương Bác cổ Học Viện có nhiệm vụ bảo tồn cổ tích trong toàn cõi Việt Nam, thay thế cho Pháp Quốc Viễn Đông Bác cổ Học viện bị bãi bỏ; giữ nguyên các luật lệ về bảo tồn cổ tích đã có trước đây; cấm phá hủy những đình, chùa, đền, miếu hoặc những nơi thờ tự khác, những cung điện, thành quách cùng lăng mộ chưa được bảo tồn, những bi ký, đồ vật, chiếu sắc, văn bằng, giấy má, sách vở có tính cách tôn giáo hay không, nhưng có ích cho lịch sử mà chưa được bảo tồn. Sắc lệnh số 65/SL đã phản ánh những tư tưởng, quan điểm rất cơ bản, sâu sắc của Nhà nước ta đối với việc bảo tồn di sản văn hóa, cho đến nay vẫn giữ nguyên ý nghĩa lý luận và thực tiễn, soi sáng cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của đất nước.
Sau Sắc lệnh số 65/SL, ngày 29/10/1957, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 519-TTg “Về bảo vệ di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh” giúp bảo vệ những di tích quan trọng nhất của đất nước. Pháp lệnh Bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh do Hội đồng Nhà nước công bố ngày 04/4/1984 cũng đã chứng tỏ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với công tác giữ gìn di sản văn hóa của dân tộc.
Luật Di sản văn hóa số 28/2001/QH10 ngày 29/6/2001 của Quốc hội (có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2002), được sửa đổi, bổ sung bởiLuật số 32/2009/QH12 ngày 18/6/2009 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa (có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2010), là cơ sở pháp lý cao nhất nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở Việt Nam. Trong Luật Di sản Văn hóa, lần đầu tiên các di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào.
Nhằm động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, ngày 24/02/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/2005/QĐ-TTg về việc lấy ngày 23/11 hàng năm là “Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam”.
Tại hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2022, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Phú Trọng cũng đã khẳng định: “...Quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại. Phát triển “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia trong thời gian tới... Đó là một tài sản vô cùng quý báu do Tổ tiên, Cha ông ta mấy nghìn năm để lại, không phải nơi nào cũng có được; chúng ta có trách nhiệm phải giữ gìn, trân trọng và phát huy.”.
Quận Thanh Xuân là vùng đất cổ của Thăng Long - Hà Nội, nơi có nhiều di tích, nhiều lễ hội và phong tục tập quán từ xa xưa để lại. Ngoài hệ thống đình, chùa, Thanh Xuân còn có di tích Gò Đống Thây, một di tích hết sức đặc biệt, ghi dấu những chiến thắng oanh liệt của khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo trước giặc Minh xâm lược.
Thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di tích, di sản, bám sát chỉ đạo của Trung ương và Thành phố, vừa qua, quận Thanh Xuân đã triển khai nhiều nhiệm vụ như: Duy trì kiểm tra công tác quản lý; chống mất cắp di vật, đồ thờ tự; đầu tư trang, thiết bị cho phòng cháy, chữa cháy; củng cố, kiện toàn các Ban quản lý di tích, tiểu ban quản lý di tích... Song song với tu bổ, quận cũng tích cực tuyên truyền quảng bá về những giá trị di sản đến người dân, đến cộng đồng để phát triển du lịch.
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả, nhưng địa bàn quận Thanh Xuân cũng đang chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của quá trình đô thị hóa. Sự biến đổi nhanh chóng về điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội... đặt ra những thách thức không nhỏ trong bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể..
Để có thể thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản, thời gian tới Quận sẽ tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về công tác quản lý, bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích đến Nhân dân; gắn bảo tồn, phát huy các giá trị di tích với công tác phát triển du lịch của quận để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đặc biệt, Quận sẽ tiếp tục cập nhật, bổ sung sản phẩm truyền thông “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa và quảng bá điểm đến du lịch là các di tích lịch sử gắn với lễ hội truyền thống “Lễ hội Năm làng Mọc” trên địa bàn quận thông qua giao diện ảnh 3600” tại địa chỉ https://vrcafe.vn/vr/thanhxuan2022/./.
Phòng Văn hóa và Thông tin quận